Trần Trung Phong, sinh viên ngành Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội, giành hai giải nhất Olympic Vật lý sinh viên, sau khi đạt một nhất và một nhì vào năm ngoái.

Trung Phong, 21 tuổi, đang học năm cuối ngành “hot” nhất Đại học Bách khoa Hà Nội. Cách đây một tuần, Phong cùng 5 sinh viên khác đại diện trường dự kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc.

Cuộc thi năm nay có 260 sinh viên đến từ 44 trường đại học. Các đội trải qua ba phần thi, gồm trắc nghiệm (mỗi trường ba người thi đồng đội), giải bài tập (hai thí sinh thi cá nhân) và thực nghiệm (hai người thi đồng đội). Do phần bài tập và thực nghiệm diễn ra cùng thời gian, một thí sinh được cử thi tối đa hai phần.

Phong là sinh viên duy nhất của Bách khoa dự thi hai phần và cũng có thành tích tốt nhất, với giải nhất ở cả phần trắc nghiệm và giải bài tập.

“Mình không bất ngờ vì đã ôn luyện rất nghiêm túc nhưng vui vì giành kết quả cao hơn năm trước”, Phong nói.

Phong là cựu học sinh chuyên Lý trường THPT chuyên Lào Cai. Với giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn này lớp 12, em đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2021 theo diện xét tuyển tài năng. Nhưng khi đó, nam sinh chọn Khoa học máy tính theo bạn bè, vì đây là ngành “hot”.

Đến năm thứ ba, khi đạt 7,9/10 điểm Vật lý đại cương, Phong thấy tiếc vì thiếu 0,1 là đạt mức B+. Từng học chuyên Lý, Phong suy nghĩ rất nhiều. Biết tin nếu giành giải ở cuộc thi Olympic sinh viên toàn quốc sẽ được cải thiện điểm, nam sinh quyết định tham gia vòng tuyển thành viên của trường.

Kỳ thi ở trường có khoảng 100 sinh viên đăng ký. Phong được chọn vào đội tuyển, ôn luyện cùng thầy cô hơn một tháng trước khi bước thi vòng toàn quốc. Kết quả, nam sinh đạt giải nhất phần trắc nghiệm và giải nhì phần giải bài tập. Nhờ đó, Phong được nâng điểm Vật lý đại cương từ 7,9 lên 10 điểm.

“Mình thấy vẫn rất yêu và hợp môn Vật lý”, nam sinh nói. Năm nay, Phong lại đăng ký thi vòng trường và giành một suất để lần thứ hai góp mặt trong đội tuyển của Bách khoa.

Lần này, Phong tự tin hơn nhờ được ôn tập kỹ lưỡng, tâm lý cũng khác lần đầu. Với phần trắc nghiệm, 20 câu hỏi hiển thị lần lượt trên màn hình, mỗi đội có hai phút để trả lời mỗi câu và điểm số được cập nhật liên tục. Kiến thức chủ yếu liên quan đến Vật lý đại cương ở đại học.

Phong nhớ các đội bám đuổi nhau sát nút về điểm số, tạo nên sự kịch tính ở những câu cuối. Đúng 17/20 câu, đội Bách khoa đủ điều kiện giành giải nhất, chỉ xếp sau trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Với phần giải bài tập, thí sinh phải làm độc lập trên giấy 4 câu hỏi về cơ, nhiệt, điện, quang, trong ba tiếng.

“Sau giải nhì năm ngoái, mình quyết tâm giành giải nhất nên đã ôn tập rất kỹ lưỡng phần này. Đề thi không gây quá nhiều khó khăn cho mình”, Phong chia sẻ.

Thầy Nguyễn Thanh Nghị, Phó trưởng đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội tại cuộc thi Olympic Vật lý sinh viên, đánh giá thành tích Phong đạt được là xứng đáng.

“Phong có niềm yêu thích Vật lý, tinh thần trách nhiệm cao, luôn hoàn thành các bài được giao đúng hạn”, thầy Nghị nhận xét. “Dù đang học năm cuối, lại đi làm rồi, bạn vẫn cố gắng hết mình, góp phần giúp Đại học Bách khoa Hà Nội giành giải nhất toàn đoàn, cùng 4 trường khác”.

Học Khoa học máy tính ở Bách khoa theo xu hướng nên ngày mới vào học, Phong chưa hiểu biết gì về lập trình, phải nỗ lực rất nhiều. Hiện, Phong đạt điểm học tập loại giỏi – 3.2/4, được nhận vào làm IT ở Samsung SDS Việt Nam (chuyên về công nghệ điện toán và dữ liệu).

Tuy nhiên, hai năm liền giành cú đúp giải thưởng ở cuộc thi Olympic Vật lý sinh viên khiến Phong suy nghĩ rất nhiều về việc tiếp tục theo đuổi lĩnh vực này. Với Phong, Vật lý rất hay và đẹp, có nhiều ứng dụng thực tế, giúp lý giải nhiều hiện tượng xung quanh. Nam sinh dự định học bổ sung một số môn để học lên thạc sĩ Vật lý.

“Mình không hối hận khi chọn Khoa học máy tính. Mình đã học được rất nhiều kiến thức và kỹ năng, cũng bắt đầu đi làm công việc đúng chuyên ngành. Nhưng đến giờ, mình thấy Vật lý vẫn phù hợp hơn”, Phong nói.

Hỗ trợ giải đáp




Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *